Cơ quan điều tra được làm gì khi tiến hành các hoạt động điều tra
Cơ quan điều tra được làm gì khi tiến hành các hoạt động điều tra? Cơ quan điều tra là cơ quan tiến hành các hoạt động điều tra và áp dụng các quy định pháp luật cần thiết nhằm chứng minh tội phạm.Sau đây Luật Long Phan PMT sẽ giải đáp các vướng mắc liên quan về vấn đề trên, mời Quý bạn đọc cùng theo dõi:
Cơ quan điều tra được làm gì khi tiến hành các hoạt động điều tra
Những cơ quan được tiến hành các hoạt động điều tra
Hệ thống cơ quan điều tra hình sự tại Việt Nam được quy định tại Điều 4 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 như sau:
- Cơ quan điều tra của Công an nhân dân;
- Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân;
- Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Mỗi cơ quan đều có thẩm quyền nhất định trong hoạt động điều tra trong phạm vi từng loại tội phạm, từng loại đối tượng khác nhau và theo phạm vi quản lý. Ngoài các cơ quan điều tra trên thì còn có một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong phạm vi quyền hạn được giao và trên phạm vi mà mình quản lý như: Cơ quan của Bộ đội biên phòng, Cơ quan của Hải quan, Cơ quan Kiểm lâm, các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển, cơ quan của Kiểm ngư, các cơ quan khác của Công an nhân dân, các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân…
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra
Theo Điều 8 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan điều tra được quy định như sau:
- Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;
- Tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra chuyển giao;
- Tiến hành Điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố;
- Tìm ra nguyên nhân, Điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
Nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan điều tra
Các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra
Về nguyên tắc, cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra sau khi có quyết định khởi tố vụ án (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
Theo các quy định tại BLTTHS 2015, các hoạt động của cơ quan điều tra bao gồm:
- Khởi tố bị can, hỏi cung bị can: Thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố. Việc hỏi cung được tiến hành bởi Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên trong các trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 183 BLTTHS 2015;
- Lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự: người tiến hành lấy lời khai là điều tra viên, các bộ điều tra hoặc kiểm sát viên trong trường hợp tại khoản 5 Điều 186 BLTTHS 2015;
- Đối chất: Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất. Trong một số trường hợp cần thiết thì kiểm sát viên tiến hành đối chất;
- Nhận dạng, nhận biết giọng nói: Theo Điều 190, Điều 191 BLTTHS 2015 điều tra viên tiến hành đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng và cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói;
- Khám xét người: Theo Điều 193, 194 BLTTHS 2015 thì những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Điều tra viên thi hành lệnh (người cùng giới thực hiện);
- Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện (được quy định tại Điều 195 BLTTHS 2015);
- Khám nghiệm hiện trường: Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án;
- Khám nghiệm tử thi: Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến;
- Thực nghiệm điều tra: Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết;
- Giám định, định giá tài sản: được quy định tại chương XV BLTTHS 2015;
- Các biện pháp điều tra đặc biệt: được quy định tại chương XVI BLTTHS 2015.
>>> Xem thêm: Trình tự thủ tục điều tra xét xử một vụ án hình sự như thế nào
Những hoạt động bị nghiêm cấm trong quá trình điều tra
Các hành vi, hoạt động bị nghiêm cấm trong quá trình điều tra được quy định tại Điều 14 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015:
- Làm sai lệch hồ sơ vụ án; truy cứu trách nhiệm hình sự người không có hành vi phạm tội; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự; ra quyết định trái pháp luật; ép buộc người khác làm trái pháp luật; làm lộ bí mật Điều tra vụ án; can thiệp trái pháp luật vào việc Điều tra vụ án hình sự.
- Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Cản trở người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, trợ giúp pháp lý; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
- Cản trở người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện việc bào chữa, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
- Chống đối, cản trở hoặc tổ chức, lôi kéo, xúi giục, kích động, cưỡng bức người khác chống đối, cản trở hoạt động Điều tra hình sự; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người thi hành công vụ trong Điều tra hình sự.
Những hoạt động bị nghiêm cấm trong quá trình điều tra
Cần làm gì khi cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra trái luật?
Theo Điều 469 BLTTHS 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thời hiệu khiếu nại được quy định cụ thể tại Điều 471 BLTTHS 2015.
>>> Xem thêm: Thủ tục nhờ Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự
Trên đây là những giải đáp của Luật Long Phan về các vấn đề xoay quanh hoạt động điều tra của cơ quan điều tra. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào khác, vui lòng liên hệ qua Hotline: 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ của chúng tôi giải đáp. Trân trọng cảm ơn.
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn.
Nguồn: Luật Hình sự – Luật Long Phan PMT https://luatlongphan.vn/co-quan-dieu-tra-duoc-lam-gi-khi-tien-hanh-cac-hoat-dong-dieu-tra
Xem tai lieu online
Nhận xét
Đăng nhận xét