Trường hợp nào không được góp vốn, mua phần vốn góp, mua cổ phần vào công ty
Luật Doanh nghiệp 2020 đã tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các chủ thể, ghi nhận quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế xuất hiện nhiều lí do khác nhau mà Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những quy định đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp, cũng như quy định về trường hợp nào không được quyền góp vốn, mua phần vốn góp, mua cổ phần vào công ty. Luật Long Phan PMT sẽ cung cấp những thông tin về vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây.
Trường hợp không được góp vốn mua phần vốn góp, mua cổ phần vào công ty
>> Xem thêm: Thủ tục góp vốn vào công ty cổ phần
Những đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp
Theo Khoản 1 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải mọi tổ chức và mọi cá nhân đều được pháp luật trao cho quyền này. Trong đó một số chủ thể, nếu họ có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến lợi ích xã hội và nhà nước. Vì vậy Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, pháp luật quy định những chủ thể sau đây sẽ không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
Việc thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình được quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh vào một trong các mục đích sau đây:
- Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả những người quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
- Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
- Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị;
Việc pháp luật quy định chủ thể này không được thành lập và quản lý doanh nghiệp là nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong việc huy động, sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời cũng góp phần ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước .
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 không cho phép người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị:
- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
- Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP.
Các chủ thể này được quy định tại Điểm b, c, d Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Pháp luật không cho phép họ tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp để chuyên tâm thực hiện và hoàn thành tốt nhất các công việc công và tránh tình trạng tham ô, tham nhũng.
Người không được thành lập, quản lý doanh nghiệp
>> Xem thêm: Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền thành lập công ty TNHH không?
Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân.
Đối với cá nhân, tư cách chủ thể của cá nhân chỉ đầy đủ, hoàn thiện và độc lập khi họ có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Những đối tượng chưa đủ năng lực hành vi dân sự hay bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì khả năng thực hiện các nghĩa vụ của họ sẽ bị hạn chế. Vì vậy các chủ thể này không thể thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Đối với tổ chức, một tổ chức có tư cách pháp nhân khi có đủ các điều kiện theo Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định. Việc quy định những tổ chức không có tư cách pháp nhân thì không được quyền thành lập doanh nghiệp là hợp lý. Bởi một tổ chức có tư cách pháp nhân mới có năng lực tài chính để tham gia sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích cho bên còn lại khi giao dịch với doanh nghiệp đó.
Chủ thể đang gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.
Chủ thể này được quy định cụ thể tại Điểm e, g Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, gồm:
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự là người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành các hoạt động điều tra kể từ kể từ khi có quyết định khởi tố bị can cho đến trước khi có bản án kết tội của Tòa án hoặc có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra mà các quyết định này không bị hủy bỏ bởi cơ quan có thẩm quyền.
- Người đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc đã bị tước hoặc hạn chế quyền tự do kinh doanh, khó có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh.
- Người đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là những cá nhân đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về nghề nghiệp, công việc mà họ thực hiện.
Ngoài ra, theo Điều 130 Luật Phá sản năm 2014, người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày bị tuyên bố phá sản; Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật Phá sản năm 2014 thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập và/hoặc làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp không được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Theo Khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, ngoại trừ hai trường hợp sau:
Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình
Có thể thấy, pháp luật quản lý rất chặt chẽ cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân khi chủ thể này sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp, thể hiện thông qua việc không những cấm chủ thể này thành lập, quản lý mà còn cấm góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng
Theo Điều 20 Luật Cán bộ, Công chức 2008 hiện hành thì những việc mà cán bộ, công chức không được làm gồm:
- Những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này
- Không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền
Theo Khoản 4 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
Góp vốn vào công ty
>> Xem thêm: Hợp đồng góp vốn giữa cá nhân và công ty có hợp pháp không
Thông tin liên hệ luật sư
Luật Long Phan PMT nhận hỗ trợ dịch vụ luật sư trực tuyến 24/7 qua các hình thức như sau:
- Tư vấn pháp luật qua EMAIL: pmt@luatlongphan.vn
- Tư vấn pháp luật qua FACEBOOK: Fanpage Luật Long Phan
- Tư vấn luật qua ZALO: LONG PHAN PMT LAW FIRM – 0819.700.748
- Cần dịch vụ luật sư tranh tụng vui lòng liên hệ TỔNG ĐÀI ĐIỆN THOẠI 1900 63.63.87
- Gặp trực tiếp luật sư tranh tụng tại TRỤ SỞ CÔNG TY: Tầng 14 Tòa nhà HM Town, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, quận 3, TP. HCM
- Tại Văn Phòng Luật sư Quận Bình Thạnh: 277/45 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 15, Bình Thạnh, HCM
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về trường hợp nào không được góp vốn, mua phần vốn góp, mua cổ phần vào công ty. Nếu quý đọc giả còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này hoặc có nhu cầu tìm LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP để hỗ trợ, vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 1900.63.63.87. Xin cám ơn!
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn.
Nguồn: Tư vấn luật doanh nghiệp – Luật Long Phan PMT https://luatlongphan.vn/truong-hop-nao-khong-duoc-gop-von-mua-phan-von-gop-mua-co-phan-vao-cong-ty
Xem tai lieu online
Nhận xét
Đăng nhận xét