Quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu của đương sự trong tố tụng dân sự
Quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu của đương sự trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào? Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp. Thời hiệu là thời gian do luật quy định, mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ. Vì vậy, chủ thể có thể chủ động yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm trong thời gian do pháp luật quy định. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của quý bạn đọc về quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu của đương sự trong tố tụng dân sự.
Quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu của đương sự trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào?
Quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện của đương sự trong tố tụng dân sự
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp.
Theo khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (sau đây viết tắt là BLTTDS) thì Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Tòa án không đương nhiên áp dụng quy định về thời hiệu trong giải quyết vụ việc dân sự khi đương sự không có yêu cầu trong trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu.
Bên cạnh đó, tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì khoản 1 Điều 192 BLTTDS không quy định căn cứ trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, vì vậy, Tòa án không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp kể từ ngày 01-01-2012, Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết và thời hạn giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện đã hết mà đương sự có yêu cầu khởi kiện lại vụ án đó thì Tòa án xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định về các trường hợp khác mà đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại, cụ thể:
- Những vụ án dân sự về thừa kế như tranh chấp về thừa kế tài sản, chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017 mà Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết”, “chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung” nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế” thì thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn nên người khởi kiện có quyền nộp lại đơn khởi kiện vụ án đó.
- Tuy nhiên, những vụ án trên đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) thì người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó.
>> Xem thêm: Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự
Thời hiệu khởi kiện đối với từng vụ việc
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà pháp luật quy định từng thời hiệu khởi kiện khác nhau, dưới đây là một số thời hiệu khởi kiện của một số lĩnh vực thông dụng về dân sự, giao dịch, thừa kế… cụ thể như sau:
- Tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 (sau đây viết tắt là BLDS) có quy định, thời hiệu khởi kiện về tranh chấp hợp đồng là 03 năm kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
- Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm kể từ ngày người yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích của mình hợp pháp bị xâm phạm theo Điều 588 BLDS.
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế theo khoản 1 Điều 623 BLDS. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Riêng thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm còn thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế được quy định tại khoản 2,3 Điều này.
- Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó được quy định tại Điều 671 BLDS.
- Thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa là 01 năm, kể từ ngày trả hàng hoặc lẽ ra phải trả hàng cho người nhận hàng theo Điều 169 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015.
- Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là 02 năm, kể từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm theo Điều 195 Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015.
Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên
Cách tính thời hiệu khởi kiện
Tại Điều 151 BLDS 2015 quy định, thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.
Việc xác định được thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là yếu tố quan trọng đầu tiên khi nói đến thời hiệu khởi kiện, bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được quy định như sau:
- Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, theo Điều 2 Nghị quyết 103/2015/QH13 và khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP thì các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự số 2004 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12.
>> Xem thêm: Hướng giải quyết khi hết thời hiệu khởi kiện
Không áp dụng thời hiệu trong trường hợp nào?
Trong một số trường hợp đặc biệt, việc áp dụng thời hiệu khởi kiện vào vụ việc dân sự không được áp dụng theo Điều 155 BLDS, cụ thể:
- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
- Trường hợp khác do luật quy định.
Việc không áp dụng thời hiệu là cách để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Theo quy định tại Điều 157 BLDS thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp:
- Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.
- Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện.
- Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Qua đó, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra một trong các sự kiện trên.
>> Xem thêm: Thời hiệu khởi kiện vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
Thông tin liên hệ luật sư
Công ty Luật Long Phan PMT luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến của Quý doanh nghiệp để giải đáp các thắc mắc trong thời gian nhanh nhất có thể. Mọi thông tin của khách hàng luôn được lắng nghe qua các nguồn sau:
- Email: pmt@luatlongphan.vn
- Hotline: 1900.63.63.87
- Fanpage: LUẬT LONG PHAN
- Zalo: LONG PHAN PMT LAW FIRM – 0819.700.748
- Trụ sở công ty: Tầng 14 Tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, TP.HCM.
- Văn phòng giao dịch: 277/45 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 15, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.
Trên đây là bài viết về Quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu của đương sự trong tố tụng dân sự. Nếu bạn đọc có nhu cầu gửi hồ sơ tài liệu hoặc đặt lịch gặp trực tiếp luật sư vui lòng liên hệ với Công ty Luật Long Phan PMT qua số hotline 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ hoặc trao đổi trực tiếp với LUẬT SƯ DÂN SỰ. Xin cảm ơn!
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn.
Nguồn: Tư vấn luật dân sự – Luật Long Phan PMT https://luatlongphan.vn/quyen-yeu-cau-ap-dung-thoi-hieu-cua-duong-su-trong-to-tung-dan-su
Xem tai lieu online
Nhận xét
Đăng nhận xét